Ăn Tết cùng đồng bào Cơ Tu

2025-01-17 19:49:27

Người Cơ Tu Nam Giang gọi ăn Tết là Cha Pổiq hay Cha Pling, còn người Cơ Tu ở Hiên, Quảng Nam (Đông Giang và Nam Giang hiện nay) thì gọi là Cha Pruôt. Thực ra “Pling” hay “Pruôt” đều có nghĩa là Tết (“Cha” trong tiếng Cơ Tu nghĩa là ăn), và cũng có nghĩa là tổng kết một năm bội thu hay tai ương, khỏe mạnh hay thiên tai, dịch bệnh.

Già làng Zuông Nônh chuẩn bị thịt chuột gác bếp để đãi khách trong ngày Tết. (Ảnh: Dân Trí)

Trước khi Tết, người Cơ Tu thường chuẩn bị rượu cần. Rượu cần ủ càng lâu càng nồng đượm, càng được nước, thơm ngon. Để có rượu cần hảo hạng, người Cơ Tu phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên, ủ với men rượu được làm bằng bột gạo trộn với các loại thực vật phơi khô trên giàn bếp. Nếu không có nếp huyết, đồng bào thay bằng nếp đỏ. Phổ biến hơn người ta ủ bằng sắn. Ngoài việc ủ rượu, người Cơ Tu còn lo giã gạo, hái lá đót để gói bánh cuốt, cắt lá chuối rừng để gói bánh hay để dùng thay bát, đĩa khi chia phần thức ăn.

Thôn nữ làng Pà Rồng (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) giã gạo làm bánh Tết. (Ảnh: Dân Trí)

Ngoài rượu cần, trong ngày Tết của người Cơ Tu còn có món thịt nấu đông. Đồng bào cho tất cả các loại thịt vào nấu nhừ rồi nêm muối vừa ăn, để qua đêm, khi ăn chỉ cần xắn thành từng miếng dọn ra đĩa hay lá chuối. Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá gọi là lét viêr. Ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc cá bằng vợt. Đàn ông Cơ Tu thường đánh, bắt cá ở các sông lớn như sông AVương, sông Lăng, sông Bung,… Cá thường được nướng chín, rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn.

Theo già Zuông Nônh, món không thể thiếu trong mâm lễ cúng Giàng ngày Tết của người Cơ Tu với cơm lam và con gà mái tơ là món bánh sừng trâu, tiếng Cơ Tu gọi là Avị Cuốt. Đây là món bánh làm từ nếp, gói bằng lá đót quan trọng như bánh chưng bánh tét trong ngày Tết của người Kinh. Bánh có tạo hình như một chiếc sừng trâu, biểu trưng cho con vật có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người bản địa.

Xông đất chúc Tết gia đình đồng bào Cơ Tu ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Đêm giao thừa, đồng bào nấu cơm hoặc đồ xôi, thịt gà, cá, thịt chuột, đưa lên đình để già làng, các đại diện gia đình cúng xin thần linh ban cho một năm mới được mùa, khỏe mạnh,… Nếu trong lễ hội khác, người Cơ Tu có nhiều kiêng kỵ thì trong dịp Tết, đồng bào không có kiêng kỵ gì. Thanh niên có thể đi chơi Tết từ chiều 30 đến mùng 3 Tết mới trở về. Những cô gái đi chơi Tết trong tấm váy thổ cẩm đến đâu cũng được tán thưởng và có nhiều ánh mắt trìu mến đuổi theo...

Sau khi cúng Giàng, dân làng Cơ Tu tập trung về nhà gươl – nhà truyền thống của làng để hát múa mừng năm mới. Làng nào có điều kiện, thì giữa sân trước gươl dựng một cây cột đâm trâu được trang trí hoa văn rất cầu kỳ. Dân làng sẽ múa hát quanh cột trước nhà gươl và chơi các trò chơi dân gian.

Điểm đặc biệt trong Tết của người Cơ Tu chính là tục xông đất. Mồng Một tết, trưởng bản của đồng bào Cơ Tu thường đến các hộ gia đình trong làng để chúc tết, xông đất đầu năm mới. Theo ông Alăng Bê, Bí thư Chi bộ thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), tục xông đất ngày đầu năm của đồng bào Cơ Tu mang giá trị ý nghĩa rất độc đáo, không chỉ thể hiện tấm lòng của khách đối với chủ nhà, mà còn thắt chặt thêm sự gắn kết làng bản, cũng như tạo được tâm lý năm mới đầy phấn khởi cho cả đôi bên.

Múa tung tung da dá, điệu múa truyền thống trong ngày lễ, Tết của đồng bào Cơ Tu. (Ảnh: Dân Trí)

Theo tập tục của người Cơ Tu, xông đất, nghĩa là người đến “xông” phải đến thật sớm và chuẩn bị tâm lý mang những điều tốt lành nhất đến với chủ nhà. Theo đó, những người lớn tuổi có uy tín, những già làng, trưởng bản,… thường được giao nhiệm vụ đến xông đất đầu năm của các hộ dân trong làng. Tập tục này thường chỉ được tính trong buổi sáng mồng Một tết, do vậy khi chưa có người đến xông đất, vì rất nhiều lý do nên người trẻ thường rất ngại đến thăm nhà của nhau. Vì thế, sau cúng giao thừa, người Cơ Tu xem tục xông đất như một nghi lễ đầu tiên đón chào năm mới của mình.

Ngày nay, khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đồng bào Cơ Tu không còn bó hẹp đối tượng xông đất. Vì vậy, những người trẻ tuổi, nếu được đồng bào tin yêu, tôn trọng vẫn có thể đến xông đất thể theo lời mời của chủ nhà.

Nam Yên

Nguồn bài viết : Xổ số điện toán

Top