Tổng Giám đốc WHO: Các nước cần tăng cường năng lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra ngày 23/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tất cả các nước trên thế giới cần tăng cường năng lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, đẩy mạnh việc giám sát, truy vết và cách ly đối với bệnh nhân mắc căn bệnh này. |
Ngăn chặn hiện tượng bảo kê, ép giá thu mua thủy sản BĐBP Nam Định đang phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng bảo kê, ép giá thu mua thủy sản, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên khu vực biên giới biển để nhân dân yên tâm khai thác. |
Vừa cứu nạn nhân, vừa ngăn người gây bạo lực
“Cứu chị với” – câu nói quen thuộc khi những người bị bạo hành gọi tìm chị Phấn. Chị kể: “Có lần, buổi trưa đang trên đường đi làm, tôi nhận được gần chục cuộc điện thoại từ chị Hoa* gọi kêu cứu. Lúc đó, tôi vừa lo lắng, vừa sợ. Tôi không nghĩ được gì, chỉ biết là phải thật nhanh chóng đến chỗ nạn nhân đang tạm lánh”.
Sau khi đưa được nạn nhân về nhà mình tạm lánh, chị Phấn mới bình tĩnh lại và gọi điện cho công an, tổ phản ứng nhanh ở khu vực đó để gọi anh Chiến* (chồng chị Hoa) lên hỏi chuyện và ký cam kết. Trong thời gian đó, anh Chiến đã rất nhiều lần đi tìm chị Phấn và có những lời chất vấn như: “Vợ tao đâu rồi?”, “Mày chở vợ tao đi đâu?”,…
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên chị Hoa bị bạo hành và cần đến sự can thiệp của các cán bộ trong xã. Được biết, chị Hoa từng có hai đời chồng trước đó và cũng bị bạo hành. Hiện vợ chồng chị Hoa làm nghề thợ xây phụ hồ, nhưng anh Chiến là một người nghiện cờ bạc, lại số đào hoa nên không cho vợ giữ tiền và cũng không đưa tiền cho vợ để lo chuyện gia đình, con cái. Không những thế, anh Chiến còn nghiện rượu, đánh vợ một cách thường xuyên bằng gậy, bằng roi,…
Tổ phản ứng nhanh xã Minh An được thành lập vào tháng 10/2019 với sự tham gia của 15 thành viên gồm Lãnh đạo UBND xã, Hội phụ nữ, Tư pháp, Công an, Lao động và các Trưởng thôn/chi hội trưởng phụ nữ do chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Chủ tịch Hội Phụ nữ là tổ phó. |
Không chỉ có gia đình nhà chị Hoa, mà theo ông Triệu Đức Quý - Phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Minh An, tổ trưởng tổ phản ứng nhanh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, tổ phản ứng nhanh xã Minh An còn ứng cứu liên tục, thường xuyên 29 cặp vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình và hàng trăm gia đình có nguy cơ bị bạo lực khác.
Tổ phản ứng nhanh tại xã Minh An và Bình Thuận. |
Trường kỳ “cuộc chiến” chống bạo lực gia đình
Tháng 10/2019 xã Minh An được chọn là đơn vị thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thực hiện.
Chị Lò Thị Phấn được chọn là tổ phó với nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động của tổ phản ứng nhanh. Đồng thời, chị còn được giao nhiệm vụ vận động các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình chung sức” và trực tiếp phụ trách 4 cặp vợ chồng có hành vi bạo lực trong xã.
Cuộc chiến chống bạo lực của chị Phấn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần đến vận động tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, anh Chiến còn đóng sập cửa lại, không đồng ý tiếp đón. Qua nhiều lần thuyết phục mà vẫn bị từ chối, chị Phấn nghĩ ra cách đưa tên chồng mình và các cán bộ trong xã vào danh sách tham gia. Sau đó, nhận được sự đồng ý từ anh. Ngoài ra, chị Hoa được đảm bảo an toàn khi tham gia.
Nguyên tắc bảo mật và an toàn được áp dụng trong quá trình sinh hoạt nhóm. |
Chị Phấn vẫn nhớ trong khoảng 2 tháng đầu khi tham gia Câu lạc bộ thì anh Chiến vẫn tiếp tục hành hung vợ với hình thức bạo lực mạnh hơn như dùng gậy, thậm chí dùng dao để dọa giết. Chị Hoa phải luôn tìm cách chạy trốn và gọi đến tổ phản ứng nhanh cầu cứu. Để giải quyết, công an đều phải vào cuộc.
Phải đến tháng thứ 3 khi tham gia Câu lạc bộ, được nghe những câu chuyện của những người có hành vi bạo hành như thế nhưng họ đã thay đổi thì anh Chiến mới dần hiểu ra. Từ đó, số lần đánh vợ giảm dần, câu nặng nhẹ vẫn còn nhưng anh đã bớt dùng vũ lực.
Về phần chị Hoa, chị được hướng dẫn nhận biết dấu hiệu bạo hành sắp xảy ra và các biện pháp để bảo vệ chính mình như: không chạy vào ngõ cụt như bếp, góc nhà, phòng kín mà chạy đến những nơi an toàn hơn để gọi tổ phản ứng nhanh.
Nếu như những lần đầu để gọi được cho tổ phản ứng nhanh, chị Hoa luôn phải mang theo tờ giấy ghi số điện thoại bên mình thì giờ đây, chị đã học thuộc tất cả các số điện thoại đó.
Điều chị Phấn cảm thấy hạnh phúc nhất chính là sau một thời gian tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, chính chị cũng nhận thấy sự thay đổi từ anh Chiến. “Thỉnh thoảng đến nhà chị Hoa hỏi han, anh Chiến đã vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Anh nói ‘Tao biết tao sai rồi’. Chúng tôi thấy rất vui vì điều đó”, chị Phấn chia sẻ.
Từ tháng 1/2022 trở lại đây, chị Phấn và tổ phản ứng nhanh cũng chưa nghe cuộc gọi kêu cứu nào từ chị Hoa. Những người hàng xóm gần đó cũng cho biết không còn thấy gia đình chị Hoa xảy ra xô xát, cãi nhau ầm ĩ thường xuyên như ngày trước.
Đặc biệt, sau khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, theo nguyện vọng, Dự án đã hỗ trợ gia đình chị Hoa 22 triệu mua 1 con bò sinh sản. Hiện tại, vợ chồng chị Hoa cùng nhau chăm sóc và con bò đang phát triển tốt.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Sau gần 3 năm đồng hành cùng Dự án, chị Phấn chia sẻ: “Chúng tôi coi những người trong câu lạc bộ ‘Gia đình chung sức’ như người nhà. Họ có thể tìm đến chúng tôi và chia sẻ bất cứ lúc nào. Tôi rất vui khi một phần nào đó giúp cho những người yếu thế có được tiếng nói của họ và dần thấy họ được tôn trọng hơn”.
Chị Phấn (áo đen) luôn đồng hành cùng các thành viên trong câu lạc bộ "Gia đình chung sức". |
Không chỉ giúp những người bạo lực thay đổi về hành vi bạo lực của họ mà các thành viên trong tổ phản ứng nhanh, các cán bộ tỉnh Yên Bái cũng được nâng cao kiến thức để giải quyết các vụ việc được đúng pháp luật và hiệu quả hơn.
Bà Hoàng Phương Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho biết: “Công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong thực hiện Dự án luôn được quan tâm, chú trọng. Dự án đã tổ chức 19 khóa tập huấn cho 80 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn với các kiến thức hiểu biết về Bạo lực giới, hỗ trợ hiểu biết về sang chấn, kỹ năng truyền thông, kỹ năng điều hành sinh hoạt Câu lạc bộ, kiến thức pháp luật về bạo lực giới,…
Qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò trách nhiệm của Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần giảm thiểu số vụ việc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.
“Ngày trước, chúng tôi phát hiện được ít ca bạo lực vì những người bị bạo lực thường xấu hổ, không dám nói ra câu chuyện của mình. Nhưng dần dần số ca tăng lên vì khi thấy vợ chồng gia đình bên cạnh thay đổi và hạnh phúc thì gia đình khác cũng xin tham gia vào cùng. Phát hiện nhiều cặp thì tổ phản ứng nhanh sẽ can thiệp trực tiếp sớm hơn và giúp đỡ nhiều vợ chồng sớm thoát khỏi bạo lực hơn và cuộc sống hạnh phúc hơn”, chị Lò Thị Phấn chia sẻ thêm.
Không chỉ tạo ra hiệu ứng ở 2 xã Minh An và Bình Thuận (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - địa điểm triển khai Dự án), đến nay, cả 9 huyện thị Yên Bái đều có kênh cung cấp thông tin và hỗ trợ các nạn nhân liên quan đến bạo lực, xâm hại.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Ứng dụng công nghệ và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn |
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử |