Tôn vinh nàng dâu ở ngôi làng 400 tuổi

2025-01-17 19:49:28

Trưởng Ban liên lạc họ Lương, cụ Lại Thị Sổn, 92 tuổi, ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Xưa ông bà răn dạy con gái phải tam tòng - tứ đức, làm dâu một nhà là làm dâu cả dòng họ… Mấy đứa chừ giỏi không kém, nuôi con cái học hành đàng hoàng. Thấy tụi nó vinh dự nhận bằng khen, tui cũng vui lây…”.

Gánh vác gia nương nhà chồng

Làng Mỹ Lợi cách TP Huế chừng 30km về phía Đông, nằm trên dải cát giữa biển và đầm phá nay thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tổ tiên của làng từ Lương Niệm, Quảng Xương, nay thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Mỹ Lợi khai hoang lập ấp từ giữa thế kỷ 16. Đây là ngôi làng có bề dày văn hóa và nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, trọng chữ, với nhiều thế hệ dân làng học hành, đỗ đạt từ xưa đến nay. Hệ thống văn bản Hán Nôm cổ còn được làng gìn giữ rất có giá trị về mặt văn hóa lịch sử. Trong số đó có cả văn bản từ thế kỷ 17 liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mới được dân làng đồng thuận hiến tặng cho Nhà nước.

Con cháu thành đạt của họ Lương do những nàng dâu làng Mỹ Lợi nuôi dạy
đang giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Độc đáo hơn là làng này vừa diễn ra “Lễ tôn vinh công lao những người phụ nữ” mà cả dòng họ Lương từ Nam chí Bắc về dự, chứng kiến việc ghi công, đền ơn các nàng dâu hiếu thảo. Nhiều cụ bà tuổi “xưa nay hiếm”, lưng còng, chân chậm được con cháu dìu dắt đến dự. Trong số 165 người phụ nữ được tôn vinh làm rạng danh dòng họ, người ít nhất đã làm dâu 30 năm và cao nhất là 75 năm. Ở tuổi thanh xuân đẹp nhất, các cụ, các bà về làm dâu, để rồi suốt cả cuộc đời một nắng hai sương đảm đương, gánh vác gia nương nhà chồng, gìn giữ nếp nhà và nuôi dạy con cái thành đạt.

Cụ Hầu Thị Thiếp, năm nay đã ngoài 90 tuổi, nổi tiếng là người đảm đang, tháo vát ở làng Mỹ Lợi khi tảo tần, nuôi tằm dệt lụa, phụng dưỡng bố mẹ chồng để chồng yên tâm tham gia cách mạng. Chồng bà là liệt sĩ Lương Trường, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi con trai thứ mới ba ngày tuổi. Ngoài 20 tuổi, người phụ nữ ấy ở vậy thờ chồng, nuôi con. Khi con cái lớn khôn, một tay bà dựng vợ, gả chồng. Bà đã giữ nếp nhà bằng cách “lạt mềm buộc chặt” để các thành viên trong gia đình lúc nào cũng kính trên, nhường dưới.

Người con dâu của cụ là bà Trần Thị Bê xúc động kể: “Tôi về làm dâu mạ (mẹ) trên 30 năm nay, chưa bao giờ có chuyện bất hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu. Vợ chồng tôi vất vả ngược xuôi, một tay mạ quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các cháu. Các con tôi đã thấm nhuần tính cách, cách sinh hoạt, giờ giấc của từng bữa ăn, cách sắp đặt bàn thờ tươm tất trong những ngày lễ, Tết của cụ nội. Cụ đã rèn cho các cháu gái chữ “nhẫn” khi dạy cháu học nữ công gia chánh, thêu thùa, may vá để sau này giữ được nếp nhà”. Tôi đọc được niềm hạnh phúc, biết ơn đong đầy trong mắt bà Bê khi mẹ chồng mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con, cháu nên người, thành đạt. Không phụ công dưỡng dục, chăm sóc của bà và mẹ, năm người con của bà Bê đều học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tốt nghiệp bằng giỏi, có công ăn việc làm ổn định.

Phát huy giá trị truyền thống

Huế - kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, nơi biểu hiện sự đọng lại chất đặc trưng của một mô hình trật tự xã hội mà ở đó, người phụ nữ với những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đã tồn tại lâu dài nhất so với cả nước. Đây cũng là nơi mà việc giáo dục gia đình luôn lấy những giá trị chuẩn mực về lễ giáo, hiếu học, tinh thần tự tôn… làm cái gốc để hình thành và phát triển. Trong đó, người đàn ông thường đảm đương công việc xã hội và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Thế nên, vai trò người mẹ trong việc giáo dục các con mang những nét khác biệt. Người phụ nữ là tấm gương của “tứ đức”, đảm đang, lo việc nội trợ, làm con một nhà là làm dâu cả họ. Người mẹ là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý và nữ công gia chánh.

Niềm vui của 165 nàng dâu họ Lương được vinh danh.

Tiêu chí để được nhận bằng khen là phải làm dâu trên 30 năm, thuận hoà, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đảm đang, biết gìn giữ mái ấm gia đình và có trách nhiệm bảo vệ nề nếp gia phong của dòng họ. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc, Nguyễn Minh Tuân cho biết: “Đây là lần đầu ở Thừa Thiên - Huế tổ chức tôn vinh những người làm dâu, việc làm đó nhắc nhở, giáo dục con cháu giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Nét đẹp truyền thống hiếu thuận với ông bà, cha mẹ mà những người phụ nữ xưa tạo dựng, được các thế hệ con cháu trong họ hôm nay ra sức giữ gìn, phát huy. Những giá trị văn hóa ở ngôi làng cổ Mỹ Lợi vẫn được bảo tồn bên những ngôi nhà hiện đại cao tầng. Nó như một vật chứng giáo dục về việc gìn giữ nếp gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Được biết, tiêu chí để được nhận bằng khen là phải làm dâu trên 30 năm, thuận hoà, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đảm đang, biết gìn giữ mái ấm gia đình và có trách nhiệm bảo vệ nề nếp gia phong của dòng họ. Các nàng dâu chưa đạt tiêu chí phải tự sửa đổi mình, cố gắng vươn lên để được bằng chị, bằng em. “Thời đại bây giờ nếu ai còn suy nghĩ kiểu phong kiến xem phụ nữ như vật trang trí trong nhà thì thật ấu trĩ. Vai trò người phụ nữ trong gia đình ngày càng thể hiện rõ. Việc tôn trọng, ghi nhận và vinh danh những người phụ nữ là việc cần làm. Bởi chính họ là những người góp phần quan trọng định hình, xây dựng và giữ kỷ cương, nề nếp cho cả dòng họ. Dòng họ sẽ tiếp tục bình chọn con dâu để vinh danh, coi đó là phần thưởng để con dâu trong dòng họ phấn đấu sống vẹn tròn đạo nghĩa...”, ông Lương Sáu, Trưởng họ Lương làng Mỹ Lợi cho biết thêm.

Theo Infonet

Nguồn bài viết : slot machine

Top