Báo ơn bên ngoại vào Rằm tháng 7

2025-01-17 19:49:28

Sau 2 năm lập gia đình, đây là Rằm tháng 7 âm lịch đầu tiên chị Lương Thị Bầu ở bản Pắc Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên cùng chồng và con trai về làm lễ “Pây Tái” với bố mẹ đẻ. Vào ngày Rằm tháng 7, con gái, con rể, các cháu ngoại thường “Pây Tái” rất sớm với gánh đồ lễ nhỏ mang đến nhà ngoại, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại. Món quà mang về thăm bố mẹ bên ngoại không thể thiếu một đến hai con vịt béo, một chai rượu nhỏ và đôi ba cặp bánh gai – “péng tái”.

Con gái, con rể, các cháu ngoại thường “Pây Tái” rất sớm với gánh đồ lễ nhỏ mang đến nhà ngoại, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại.

Người Tày, Nùng có câu: “Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết” (nghĩa là Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Món ăn này cùng với bánh gai là 2 món ăn truyền thống không thể thiếu trong Rằm tháng 7. Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày Rằm tháng 7 hằng năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng, và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng 7 là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ. Từ những người vợ trẻ cho đến các bà các cụ người Tày Nùng đều thực hiện nghi lễ này, trở về thăm hỏi lễ tết cha mẹ, ông bà, gia đình, dòng họ, tổ tiên nơi đã sinh dưỡng ra những người mẹ, người bà.

Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ.

Trong dịp này, người phụ nữ Tày, Nùng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Điểm khác biệt trong lễ cúng Rằm báo hiếu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên của người Tày, Nùng có hai phần việc khác nhau gồm: lễ cúng tạ ơn những người đã khuất và lễ tết thăm hỏi những người còn sống.

Đối với người dân tộc Nùng, ngày thường có thể mặc trang phục bình thường nhưng khi có lễ, Tết hoặc khi cúng giỗ, các thành viên trong gia đình phải mặc bộ quần áo chàm, là bộ đồ đặc trưng của dân tộc này. Nhất là trong những ngày lễ như Rằm tháng 7 thì điều này càng thể hiện sự trang trọng của ngày lễ cũng như tấm lòng trân trọng với tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

Theo cụ Vương Hùng, 85 tuổi, người dân tộc Tày bản địa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Bằng, Rằm tháng 7 ở Cao Bằng còn mang nhiều ý nghĩa khác. Đây là dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm. Mùa này, bà con thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất thảnh thơi, chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch. Vì thế, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi được mùa.

Ý nghĩa thứ hai của Rằm tháng 7 là tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao – một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.

Phụ nữ Tày, Nùng làm bánh "péng tái" (bánh gai) chuẩn bị cho lễ Pây Tái.

Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc. Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà (Cao Bằng), nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao tử trận. Vì thế, nhân dân thương tiếc lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh.

Trong ngày này, người dân thường làm “péng tái” (người Kinh gọi là bánh gai) để cúng vong hồn binh sỹ. “Péng tái” dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

Mặc dù trải qua thời gian rất dài nhưng phong tục “Pây Tái” của người Tày, Nùng vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, đời sống khá hơn, nhiều chàng rể giàu có, có chức cao vọng trọng... nhưng vẫn không quên lãng nó. Vì thế, đây là một nét văn hóa đượm đầy giá trị nhân văn, hàm chứa văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng, cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa.

Linh Giang

Tổng hợp

Nguồn bài viết : RTG Điện tử

Top