Kinh tế - Xã hội

Lưu học sinh Campuchia vui Tết Chol Chnam Thmay

2024-12-20 18:51:42
Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các bộ tộc Lào tại Hà Nội
Tết cổ truyền Bunpimay và Chol Chnam Thmay được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam
Năm nay, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 16/4, nhiều hơn một ngày so với thông lệ hàng năm.
Tại buổi lễ, các đại biểu và khách mời đã nghe giới thiệu về nguồn gốc và những phong tục trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia, đồng thời thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm nét văn hóa của đất nước, con người Campuchia. (Ảnh: Đinh Hòa)
Một tiết mục biểu diễn võ cổ truyền của lưu học sinh Campuchia. (Ảnh: Đinh Hòa)

Chav Channy (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang), sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: năm nay là năm thứ hai em đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay ở Việt Nam. Giống như người Việt, người Campuchia mong muốn tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới. Vào đêm giao thừa, người dân Campuchia sẽ làm lễ đón tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của thần Kabul Maha Prum) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm đó. Ngoài ra, hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của Campuchia là múa hát và chơi các trò chơi truyền thống như té nước, kéo co, nhảy bao bố... Xa nhà, Chav Channy gửi lời chúc bố mẹ năm mới mạnh khỏe, may mắn. (Ảnh: Đinh Hòa)

Đang học cao học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Vun Liem (ở tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia) đã có 8 năm ăn tết ở Việt Nam. Anh cho biết: những ngày này ở Campuchia, mọi người sum vầy đón Tết với gia đình. Sang Việt Nam học tập, nhà trường, thầy cô, bạn bè chính là gia đình lớn của anh. Dù không thể thực hiện đầy đủ các nghi lễ như ở quê nhà như: lên chùa hành lễ, dâng cơm cho các vị sư sãi, tắm tượng Phật song Vun Liem vẫn có cái tết ấm áp ở Việt Nam với lễ hội té nước, các tiết mục văn nghệ, món ăn truyền thống dịp Tết của Campuchia và những lời chúc tốt đẹp của thầy cô, bạn bè người Việt xung quanh. (Ảnh: Đinh Hòa)
Vun Liem kể, để anh thấy như đang ở nhà, mỗi lần gọi Zalo, Facebook, bố mẹ thường cho anh xem cảnh quét dọn, trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho ngày Tết như món cà ri, các loại bánh trái... Nhìn lại một năm đã qua, Vun Liem thấy hài lòng khi giành được học bổng toàn phần; đoạt giải Khuyến khích (tập thể) Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam năm 2023. Năm mới anh mong ước mọi người trong gia đình mạnh khỏe, còn bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong ảnh, Vun Liem thuyết trình tại Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Chị Linh Nhân, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch (thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia) kể: khi học ở Campuchia, vào ngày Tết Chol Chnam Thmay chị thường đến nhà một người dân Campuchia để ăn tết. Cũng giống như Việt Nam, dịp này người dân Campuchia thường quây quần bên gia đình; chuẩn bị mâm lễ để cúng tổ tiên và lễ chùa. Đặc biệt, người Campuchia có tục tắm cho bố mẹ, ông bà nhằm cầu xin tha thứ cho những lỗi lầm trong năm cũ, cầu chúc sức khỏe cho đấng sinh thành. Được tham gia lễ tắm ông bà ở Campuchia, chị Linh Nhân cho biết đây là phong tục rất có ý nghĩa, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. (Ảnh: Đức Anh)

Điều khiến Hul Sovannthyda (quê ở Svay Rieng, Campuchia), sinh viên năm thứ tư Đại học Bách khoa Hà Nội xúc động là mỗi dịp Tết ở quê nhà, em lại được mẹ tắm với nguyện ước rửa sạch những điều không may trong năm cũ để con gái đón những điều may mắn trong năm mới. 4 năm đón Tết ở Việt Nam, Hul Sovannthyda dồn nỗi nhớ nhà vào việc cùng các bạn chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa Campuchia. "Chúng em mong muốn thông qua các tiết mục văn nghệ có thể giới thiệu, quảng bá văn hóa Campuchia, đồng thời góp phần giao lưu, gắn kết với bạn bè quốc tế", Hul Sovannthyda nói. (Ảnh: NVCC)
Trong thông điệp gửi tới các lưu học sinh Campuchia, bà Chea Kimtha, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam chúc các em một năm mới an lành, mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc. Bà nhắn nhủ các em cần yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tuân thủ nội quy của nhà trường cũng như pháp luật Việt Nam; cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để trở thành nguồn nhân lực trí thức của Campuchia. (Ảnh: Đinh Hòa)
Đại sứ Chea Kimtha cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng, học viện đã luôn quan tâm đến các sinh viên Campuchia trong thời gian các em học tập tại Việt Nam. Bà đánh giá cao Ban đại diện sinh viên Campuchia tại Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế đã tổ chức Tết Chol Chnam Thmay cho các lưu học sinh Campuchia. Bà mong các sinh viên sẽ tiếp tục chung tay giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Campuchia. (Ảnh: Đinh Hòa)

Clip một tiết mục văn nghệ do các lưu học sinh Campuchia biểu diễn:

Đón Tết Bunpimay trên đất Việt: hạnh phúc như ở quê nhà
Sinh viên Lào, Campuchia hào hứng đón Tết Việt

Top