Kinh tế - Xã hội

2025-01-15 20:05:10

Tại đây Thủ tướng công bố Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sự kiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, đánh dấu hành trình chuyển đổi mạnh mẽ của NIC trong 5 năm qua, thể hiện “Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá” và khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cùng dự sự kiện có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành ủy; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, hiệp hội, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhất là lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Meta, Nvidia, Qualcomm, AMD, Intel, Qorvo, Samsung..., với tổng số khoảng 1.500 đại biểu dự trực tiếp và 10.000 đại biểu dự trực tuyến.

NIC - Trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Được thành lập ngày 2/10/2019, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ, NIC từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.

NIC đã xây dựng được chính sách trong đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện hạ tầng các cơ sở hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với đầy đủ các chủ thể tham gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam...

Ngoài tổ chức không gian làm việc, các hội thảo, tọa đàm, các sự kiện kết nối các doanh nghiệp start-up với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…, NIC còn có chương trình đào tạo phối hợp với các đối tác lớn như: Google, Meta…, kết hợp với các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên thế giới để gửi một nhóm các start-up ra nước ngoài và tham gia các chương trình ươm tạo, đào tạo ở nước ngoài như Bỉ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…

Trong 5 năm, NIC đã hỗ trợ, ươm tạo hơn 1.000 start-up; hỗ trợ kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tổ chức đào tạo thông qua 30 chương trình, dự án, hoạt động… NIC đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm 10 mạng lưới thành viên và gần 2.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; triển khai các hoạt động trong 9 lĩnh vực gồm: Công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, đô thị thông minh, nhà máy thông minh, công nghệ y tế, hydrogen xanh, nội dung số và an ninh mạng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, NIC tiếp tục tập trung tham gia xây dựng cơ chế, chính sách; phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực; vận hành hiệu quả Cơ sở NIC Hà Nội và Cơ sở NIC tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong Luật Khoa học và Công nghệ, cũng như nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách khác.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho biết, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44 và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 ở vị trí 71/193.

Phân tích bối cảnh tình hình thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.

Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững. Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thủ tướng chỉ rõ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo gồm: Đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; Đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; Đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Nêu các nhiệm vụ, giải pháp chung về: Hoàn thiện thể chế; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các nguồn đầu tư tài chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế…, với "Cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả".

Yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân; chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp.

Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới sáng tạo và các vấn đề liên quan; chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú của các hoạt động đổi mới sáng tạo để ứng phó phù hợp với những vấn đề mới phát sinh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động và tổ chức triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khẩn trương xây dựng dự án Luật và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (hoàn thành trong năm 2024). Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là các chương trình đào tạo về các ngành trọng điểm như công nghệ trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và kỹ năng số…

Với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; lưu ý những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để có giải pháp phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đối với doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng mong muốn tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên.

Với tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”, “cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.

Cho rằng, các nhà khoa học có sứ mệnh vừa là người tạo nền tảng, người thực hiện, vừa là người tiên phong cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ…, Thủ tướng mong muốn và đề nghị các nhà khoa học nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm hiệu quả cao; đồng thời đề nghị các trường đại học, viện nghiên cứu tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, chế độ đãi ngộ cho các nhà khoa học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao thoả thuận hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với các đối tác. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng mong muốn các nước, tổ chức, đối tác quốc tế giúp hoàn thiện thể chế, tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản trị và tổ chức thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Điểm lại kết quả hoạt động sau 5 năm hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng đánh giá sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của Trung tâm và của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cấp, ngành, địa phương và các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học thời gian qua, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực và quốc tế.

Lưu ý phương châm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thiết thực, cụ thể" và phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, khẩn trương sửa đổi Nghị định 94, bảo đảm ban hành trước ngày 10/10/2024; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học về đổi mới sáng tạo, kết nối quốc tế.

Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng thông điệp "Đổi mới, bứt phá, vượt qua chính mình; sáng tạo, vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số, phát triển xanh của nhân loại" của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là nơi hội tụ của nhân loại và lan tỏa lợi ích mạnh mẽ; là trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là điểm tựa cho sự phát triển vượt bậc, bền vững và hội nhập toàn cầu của Việt Nam; góp phần nâng tầm Việt Nam thành một quốc gia khởi nguồn của đổi mới sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực và thế giới.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết về việc này và tổ chức thực hiện theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Trước khi vào sự kiện chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu đã tham quan các gian trưng bày sản phẩm công nghệ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đi đầu về đổi mới sáng tạo như Viettel, Sovico Group, CT Group, T&T Group, Thaco, FPT, MoMo…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ tiêu biểu được giới thiệu cho thấy sự trỗi dậy của các doanh nghiệp dân tộc nói riêng và của Việt Nam nói chung trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn là một cam kết của doanh nghiệp đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

* Cũng tại sự kiện, 5 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do NIC và Tập đoàn Meta đồng tổ chức được Thủ tướng Chính phủ vinh danh, gồm 2 giải pháp trong lĩnh vực bán dẫn và 3 giải pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và trong nước: Cadence, Nexus Photonics, CHOSEN, FPT, Viettel…

* Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trọng phát triển đổi mới sáng tạo nói chung và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nói riêng; chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm với các Tập đoàn công nghệ lớn Nvidia, Qualcom, Intel, Visemi... về phát triển trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Top