Lừa sinh viên bán Alaska, Husky giá 800.000 đồng trên Facebook

2025-01-17 19:51:05
Ngày 10/4, nhiều người dùng báo cáo việc họ bị một trang Facebook lừa bán chó mèo. Trong số những người bị lừa, đa phần là sinh viên.

"Họ xây dựng một trang rất đáng tin, hình ảnh chó mèo đều trông rất thật. Chính vì yêu chó mèo và cả tin mà em bị lừa", Linh Chi, sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ.

Theo Chi, trang này chạy quảng cáo khá rầm rộ, mỗi bài viết tương tác rất cao. Một số bài đăng có đến hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ.

Trang Facebook lừa đảo trên có tên "Chó mèo cảnh cho học sinh, sinh viên" với hơn 50.000 lượt theo dõi và vẫn đang hoạt động. 

Lua sinh vien ban Alaska, Husky gia 800.000 dong tren Facebook hinh anh 1
Mèo tai cụp được bán với giá 800.000 đồng khiến nhiều người ham rẻ dính bẫy.

Những giống chó như Husky, Alaska, mèo Anh lông ngắn... được bán với giá từ 800.000 đồng. Trong khi đó, giá thị trường của những loại thú kiểng này không dưới 2 triệu đồng.

"Chỉ cần vào trang này, hộp tin nhắn sẽ tự động mở lên. Người bán ngay lập tức hỏi em mua thú cưng nào. Họ yêu cầu em chuyển tiền bằng thẻ cào nửa giá trước rồi mới giao", Chi nói thêm.

Giải thích cho việc thanh toán qua thẻ cào, chủ trang cho biết tài khoản ngân hàng bị hỏng, nếu không gửi tiền cọc ngay, người mua sẽ mất cơ hội sở hữu thú cưng.

Để xây dựng lòng tin, chủ trang lừa đảo này gửi hàng loạt hình chó, mèo con cho khách và cam kết sẽ vận chuyển theo đường hàng không chỉ trong một ngày. Kèm với đó, trang này còn đưa địa chỉ của một cửa hàng thú kiểng tại Hà Nội và yêu cầu khách không tin thì có thể đến trực tiếp để mua.

Qua xác minh, địa chỉ cửa hàng trên thực chất là một cửa hàng khác, không hề sở hữu fanpage.

Cùng ngày, một trang Facebook khác có tên Kindlevn - Máy đọc sách cũng được tạo ra để lừa đảo. Trang này thông báo tặng 1.000 máy đọc sách với điều kiện người dùng phải chịu phí vận chuyển và bảo hành.

Lua sinh vien ban Alaska, Husky gia 800.000 dong tren Facebook hinh anh 2
Mức giá rẻ cùng hình ảnh dễ thương, những bài viết trên trang lừa đảo này nhận được hàng nghìn lượt tương tác.

Tổng cộng, người dùng sẽ chi 95.000 đồng để được "tặng máy miễn phí". Tuy vậy, phí thì mất nhưng không có chiếc máy nào được tặng.

Mô hình lừa đảo này từng xuất hiện vào tháng 2/2019 với chiêu trò tặng miễn phí tai nghe Beats. 

Theo ông Lê Minh Hiệp, quản trị viên của một nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online, hình thức lừa đảo này không phải mới, đánh vào sự cả tin và ham rẻ của người dùng.

"Những bình luận tiêu cực đều được họ xóa đi. Thay vào đó, những tài khoản ảo, bình luận nội dung như thể đã mua được thú cưng khiến nhiều người tin", ông Hiệp nói thêm.

Trước đây, Instagram và Facebook từng quảng cáo cho nhiều sản phẩm tặng miễn phí như vậy. Thậm chí một số kẻ lừa đảo còn yêu cầu nhập thông tin thẻ tín dụng để thanh toán phí vận chuyển.

"Nếu nhập thông tin thẻ vào các trang này. Người dùng sẽ "bị" trừ đúng khoản phí vận chuyển để lấy lòng tin. Vài tháng sau, kẻ lừa đảo sẽ thanh toán thêm một khoản phí khác tầm dưới 500.000 đồng", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, những kẻ lừa đảo này thường chỉ chiếm đoạt từ vài trăm đến dưới 2 triệu đồng. Bởi nếu mất ít tiền, nạn nhân sẽ ngại trình báo và thường bỏ qua. 

Kiếm tiền từ YouTube: Liệu có 'ngon ăn'? Xu hướng ngày càng nhiều người dùng YouTube như một nơi để kiếm tiền đang ngày càng nở rộ. Tuy nhiên việc kiếm tiền này có thực sự dễ dàng?

Nguồn bài viết : kết quả 1.nét

Top