Gói bánh chưng tại Trung Phi. Ảnh: Báo Ninh Bình.
Tháng 4/2017, nhóm sĩ quan Việt Nam gồm năm người được cử sang Trung Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ba người làm nhiệm vụ tại sở chỉ huy phái bộ ở thủ đô Bangui, hai người còn lại được phân về sở chỉ huy phân khu Tây, cách Bangui hàng ngàn kilômet.
Trung tá Lê Ngọc Sơn ở Bangui, là sĩ quan tham mưu tác chiến; đại úy Đinh Đức Long là sĩ quan tham mưu đào tạo và đại úy Hồ Tiến Hưng là sĩ quan tham mưu trang bị.
Nhiệm vụ của anh Sơn là tiếp nhận, xác minh các báo cáo về tình hình an ninh và các hoạt động quân sự từ tất cả đơn vị của Liên Hiệp Quốc trên toàn bộ lãnh thổ Trung Phi, tổng hợp và làm báo cáo gửi về trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York và gửi cho các phòng ban trong phái bộ. Mỗi ngày, anh phải đọc, chọn lọc thông tin từ hơn 60 báo cáo, mỗi báo cáo dài từ 20 - 30 trang.
Anh Sơn cho biết diện tích Trung Phi gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chưa tới 5 triệu người. Đó là một đất nước rất nghèo, đang chìm trong xung đột, nội chiến. Có gần 20 quốc gia gửi lực lượng đến Cộng hòa Trung Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Gói bánh chưng tại Trung Phi
"Ở Trung Phi chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa xuân ở Việt Nam là mùa khô ở Trung Phi. Nhiệt độ rất nóng, buổi trưa buổi chiều lên đến 50oC" - trung tá Sơn nhớ lại.
Công việc vất vả, áp lực và luôn đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn, có ngày đi làm thấy vỏ đạn nằm lăn lóc trong sân phái bộ, khi đêm về vẫn nghe tiếng súng nổ. Thế nên để vượt qua nỗi buồn, nhớ nhà khi Tết đến, nhóm sĩ quan Việt Nam ở Bangui cố gắng tổ chức một cái Tết truyền thống nhất có thể nơi xứ lạ.
Họ phải lên kế hoạch tìm nguyên vật liệu để gói bánh chưng từ mấy tháng trước Tết. "Ở Trung Phi, muốn mua cái gì cũng vô cùng khó" - trung tá Sơn nói. Gạo, hành củ và đậu đã có sẵn khi anh em mang từ Việt Nam sang. Nhưng khó nhất là tìm lá dong. Anh Sơn kể: "Tôi không biết mua lá dong ở đâu vì nhiều tháng trời không nhìn thấy loại lá này ở các khu chợ mà mình hay đến. Tôi nghĩ hay là gói bằng lá chuối, nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy cây chuối nào ở quanh khu tôi ở. Tình cờ đến một chợ thấy đám lá dong đã héo quắt queo. Ở Trung Phi người dân gói loại bánh gì đó bằng lá dong héo. Tôi lấy điện thoại chụp lại đưa cho học trò xem (anh Sơn dạy kèm môn toán miễn phí cho một số học sinh quanh khu vực nhà thuê), nói muốn tìm loại lá này nhưng phải là lá tươi. Học trò mua giúp được bốn cuộn lá dong. Lá dong Trung Phi to và có màu xanh nhạt hơn lá dong Việt Nam. Kế đến là đi tìm thịt heo. Kiếm được miếng thịt heo vất vả lắm, tìm mấy chợ không thấy. Có thể vì tôn giáo, người dân ở Bangui không ăn thịt heo. Tôi phải đến chợ trung tâm mới mua được một cân thịt".
Trung tá Lê Ngọc Sơn giới thiệu với các vị khách về cái Tết truyền thống của Việt Nam.
Thiếu...thì sáng tạo
Trong khó khăn, thiếu thốn, sự sáng tạo của người sĩ quan Việt Nam là... không thể tưởng tượng. Không có khuôn gói bánh chưng, anh Sơn cắt bìa cactông ra rồi gập lại, bẻ hình vuông góc và lấy băng keo dán lại làm khuôn.
Ngày 30 Tết ở Việt Nam bên đó không phải là ngày nghỉ, các anh vẫn làm việc theo lịch của phái bộ nên nhóm sĩ quan Việt Nam ở Bangui quyết định đón Tết sớm. Ngày thứ bảy tuần trước Tết âm lịch, các anh lau dọn trang trí nhà cửa, đi chợ, gói bánh chưng để chuẩn bị làm mâm cơm đón Tết sẽ tổ chức vào chủ nhật.
Chiều thứ bảy, bốn đứa trẻ là học trò của anh Sơn kéo sang nhà các sĩ quan Việt Nam đang thuê ở, cùng giúp thầy Sơn lau lá, gấp lá. Thầy trò trải tấm bạt dã chiến ngồi trước sân gói bánh chưng. Học trò hăm hở phụ thầy gói bánh, phụ huynh tò mò ngồi xem. Lạt không có, anh Sơn đành dùng loại dây cỏ mà người dân hay bó rau dền làm lạt gói bánh chưng. Dù cái khuôn làm từ bìa cactông nhưng anh cũng gói được bảy cái bánh chưng vuông vức đẹp mắt.
Anh Sơn được một phụ huynh cho mượn cái nồi to để luộc bánh. Ở Trung Phi củi rất nhiều nhưng người ta đốt củi thành than rồi lấy than nấu nướng. Đó là lần đầu tiên anh Sơn luộc bánh chưng bằng... than. Chiều muộn ở Trung Phi vẫn nóng hơn 40oC, vậy mà phải ngồi gần bếp than trông nồi bánh chưng. Cả thầy và trò mồ hôi nhễ nhại, nhưng sự hào hứng và tò mò khiến bọn trẻ không quan tâm cái nóng nực khó chịu nữa. Bọn trẻ vây quanh ông thầy người Việt Nam, nghe thầy giải thích về ý nghĩa của bánh chưng, kể về mùa xuân và Tết Việt Nam. Có lúc sốt ruột, chốc chốc bọn trẻ lại hỏi thầy xem bánh chín chưa dù thầy đã nói phải luộc khoảng 10 tiếng đồng hồ.
Giờ chỉ còn chuẩn bị mâm ngũ quả và trang trí bàn thờ đón Tết. Từ nhiều tháng trước đó, các anh khi đi tuần đã phải để ý xem chỗ nào có dứa, chuối... để khi gần Tết sẽ đỡ vất vả tìm. Thời điểm đó, Bangui không có nhiều loại trái cây nên mâm ngũ quả là sự "chắp vá" và sáng tạo của những người đàn ông. Hai nải chuối xanh mua được ở chợ, trái đu đủ xin hàng xóm, nhỏ nhưng chín đẹp. Không có quất, các anh mua... chanh về thay. Đặc biệt, mâm ngũ quả ngày Tết còn có... mấy trái khế chín. "Mấy quả khế đó tôi tìm được ở rất xa. Có lần đưa đồng nghiệp về nhìn thấy cây khế, tôi nghĩ mai mốt làm mâm ngũ quả thì đến đây xin khế. Xin mấy trái, người dân cho cả một túi khế" - trung tá Sơn bật cười kể.
Buổi trưa chủ nhật, tại căn nhà thuê, trung tá Lê Ngọc Sơn, đại úy Đinh Đức Long và đại úy Hồ Tiến Hưng háo hức và hồi hộp khi lần đầu tiên tự tay chuẩn bị và tổ chức đón Tết nơi xứ lạ. Thiếu tá Trần Văn Giang và đại úy Nguyễn Quốc Khánh đang làm nhiệm vụ ở nơi cách Bangui hàng ngàn kilômet nên không thể về đón Tết cùng. Hỏi tại sao không tổ chức đón Tết vào buổi tối, trung tá Sơn cười, giải thích: "Ở Trung Phi, điện là thứ xa xỉ, kể cả ở thủ đô! Buổi tối cả thủ đô tối om, không có điện nên không thể tổ chức vào ban đêm được".
Khu vực trung tâm phòng khách được trang trí dòng chữ màu đỏ to nổi bật HAPPY NEW YEAR, hai decal hình ảnh những cô bé cậu bé mặc áo dài truyền thống cười rạng rỡ, câu chúc quen thuộc mỗi dịp Tết đến người ta hay chúc nhau "An khang thịnh vượng" và "Vạn sự như ý" được dán hai bên với những cánh mai vàng, ở giữa là cành đào hồng rực rỡ và bầy chim én ríu rít chao lượn (decal dán 3D được một sĩ quan khi về phép mang sang) và ảnh Bác Hồ. Đó là một tấm ảnh đặc biệt bởi sự sáng tạo của người lính Việt Nam nơi Trung Phi xa xôi, các anh tải ảnh Bác từ Internet rồi in màu trên giấy A4. Hai hộp nhựa đựng thức ăn mà các anh mang đi ăn hằng ngày úp lại làm chân bát hương. Còn bát hương là... hộp mắm tép chưng thịt được dán hình lưỡng long chầu nguyệt - cũng được tải từ Internet xuống rồi in màu ra, dán vào hộp nhựa. Nhang thì nhờ người mang từ Việt Nam qua trước đó mấy tháng.
Mâm cơm cúng đón năm mới giản dị nhưng khá đầy đủ với mâm ngũ quả, bánh chưng, gà luộc, đĩa xôi, nem rán, một chai rượu vang, đĩa lòng gà xào măng khô mang từ Việt Nam sang.
Bà Luyến thắp nến hương, cầu khấn cho tổ tiên tại Việt Nam.
Sum vầy
Muốn để người dân bản xứ và đồng nghiệp tại phái bộ biết về cái Tết truyền thống của người Việt Nam, các anh mời những người dân thân thiết, các học trò của anh Sơn và đồng nghiệp tại phái bộ ở Bangui cùng đón Tết. Khách mời là chị Annie - người hàng xóm thân cận, các học trò "ruột" của anh Sơn là Choula, Benita và Angelina, chị Laura - một đồng nghiệp ở phái bộ người Mauritius, từng làm việc cho Chương trình Lương thực thế giới tại Việt Nam. Khách mời hôm ấy còn có một nhân vật khá đặc biệt: bà Luyến, người phụ nữ Việt Nam duy nhất ở Bangui. Bà Luyến gần 90 tuổi, người Hà Nội, lấy chồng là lính lê dương, đã rời Việt Nam gần 70 năm.
Sau khi trung tá Sơn nói về ý nghĩa của mâm ngũ quả, những hình ảnh quen thuộc trên bàn thờ của một gia đình Việt Nam khi đón giao thừa, ý nghĩa của cái Tết âm lịch của người dân Việt Nam, lần lượt từng người thắp nén nhang và cầu nguyện điều tốt đẹp cho một năm mới. Chị Laura, chị Annie, bé Choula, Benita và Angelina... cũng thắp nhang và thì thầm cầu nguyện rất thành tâm.
Mọi người bất ngờ và tò mò khi trung tá Sơn cầm xấp bao lì xì đỏ trên tay, mừng tuổi cho từng người kèm theo câu chúc: Năm mới an lành, mạnh khỏe và hạnh phúc. Các sĩ quan Việt Nam cắt bánh chưng mời mọi người thưởng thức. Bọn trẻ háo hức chờ đợi đến lượt mình được chia miếng bánh chưng. Không đủ bàn ghế, mọi người trải chiếu ngồi dưới nền nhà, vui vẻ quây quần bên mâm cơm tất niên, vừa ăn vừa gật gù thích thú. Ngoài món bánh chưng, món nem rán cũng nhanh chóng hết veo.
Đại úy Đinh Đức Long cho biết: "Vì tính chất công việc nên các đồng nghiệp ở phái bộ không thể đến ngay cùng một lúc. Ai làm xong thì lại đến đón Tết cùng anh em mình. Họ bảo các bạn không chỉ giới thiệu về cái Tết truyền thống của người Việt Nam bằng những câu chuyện mà còn cho chúng tôi cùng tham gia đón Tết, rất hay và xúc động".
Nguyện ước hòa bình
Đại úy Long kể đến giao thừa ở Việt Nam, ở Trung Phi các anh vẫn trực ở trụ sở phái bộ. 17h ở Trung Phi là 23h ở Việt Nam. Khi ấy, các anh đã hết giờ làm việc nhưng vẫn nán lại cơ quan để gọi qua các ứng dụng về Việt Nam nói chuyện với gia đình.
"Về nhà trọ không có điện, không có Internet, không nói chuyện với gia đình được. Xa xôi quá nên chúng tôi đón Tết từ xa bằng cách đọc báo online xem hình ảnh các nơi đón Tết, không khí đón Tết ở quê nhà... cho đỡ nhớ. Phòng tác chiến trực 24/24, tôi có mặt để hỗ trợ anh em trong phòng, nhưng phải về trước 22h vì đó là giờ giới nghiêm ở Bangui" - đại úy Long cho biết.
Trung tá Sơn thì chia sẻ thật lòng tâm trạng mình khi "xem" giao thừa từ nơi cách 10.000km: "Thật sự lúc đó rất nhớ nhà. Tôi nhớ lúc chở vợ đi mua cành đào, nhớ lúc cả nhà bận rộn sửa soạn dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Nhớ lúc giao thừa cả nhà cùng nhau ra ngoài ngắm pháo hoa, hái lộc, qua giờ giao thừa mới quay về nhà. Còn bên này, Trung Phi mùa xuân cũng chỉ có nắng và bụi".
Đại úy Hồ Tiến Hưng chia sẻ: "Vào thời khắc giao thừa, ở bên đó đang là buổi chiều nhưng đọc báo mạng, thấy không khí quê nhà rộn ràng, mình thấy rất nhớ cái Tết quê hương dù anh em bên này cũng vừa tổ chức cái Tết, cố làm một cái Tết thật giống Việt Nam nhưng không khí không được như ở Việt Nam. Bối cảnh xung quanh cũng không giống, không có cành đào, không có hoa Tết. Vì an ninh bất ổn nên người dân đi lại ngoài đường cứ lấm lét sợ hãi, bước đi cứ vội vàng, tất tả, gương mặt đầy nỗi âu lo. Lúc đó mình mới thấy được sống ở một đất nước hòa bình như Việt Nam quý báu như thế nào. Lúc đó mình lại ước. Ước đang được ở nhà. Ước người dân Trung Phi cũng được sống hạnh phúc, được sống trong hòa bình như ở Việt Nam, để họ cảm nhận được hòa bình thật sự là như thế nào, được sống trong hòa bình hạnh phúc ra sao...".