KINH TẾ - XÃ HỘI

2025-01-15 19:21:59

Việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm, khắc phục tồn tại trong Luật Việc làm năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả các lao động.

Mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Liên quan đến đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo luật, đã quy định cụ thể nhóm đối tượng được vay vốn và nhóm đối tượng được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn tại Điều 8. Song, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung các đối tượng được ưu tiên vay vốn.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá, dự thảo luật đã quy định cụ thể nhóm đối tượng được vay vốn và nhóm đối tượng được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn, trong đó đã quan tâm đặc biệt đối với đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người nghèo nhằm hỗ trợ cho các đối tượng này nâng cao cơ hội việc làm, duy trì mở rộng việc làm ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, ông đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động và cân nhắc bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi đối với một số đối tượng khác. Ví dụ như đối tượng cận nghèo, người cao tuổi, người lao động bị tai nạn lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án tạo việc làm cho người lao động tại nông thôn, dự án phát triển hạ tầng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, cần rà soát để bổ sung thêm đối tượng, đảm bảo tính công bằng. Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động đang sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, để thuận tiện trong quá trình áp dụng luật, đại biểu đề nghị giải thích làm rõ cụm từ các đối tượng ưu tiên vay vốn quy định tại khoản 3,4 Điều 8 là các đối tượng nào.

Cũng có đại biểu kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng vay vốn là người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Thảo luận về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56), đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm đối tượng chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo luật này, vì đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội của vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Mặt khác, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhóm đối tượng này cũng có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp, ví dụ thời gian qua, khi dịch COVID-19 xảy ra thì nhóm đối tượng này cũng bị ảnh hưởng.

Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động
 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Điều 58 quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng, trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại số tiền người lao động đã đóng.

Phân tích về điểm mới này trong dự thảo luật so với luật hiện hành, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhận định, tính khả thi của quyết định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao, bởi vì khi cơ quan Bảo hiểm xã hội thu được số tiền doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này cho phù hợp. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. 

Còn theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), quy định này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, dễ gây bức xúc lớn từ người lao động và dư luận xã hội. “Rõ ràng doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm mà người lao động lại phải bỏ tiền đóng thay là chưa phù hợp”, đại biểu nêu quan điểm. 

Theo đại biểu Bảo Trân, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bổ sung quy định chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng hoặc kê khai sai mức lương đóng. Quy định chi tiết thời gian tối đa cho phép chậm đóng trước khi bị xử phạt, tránh tình trạng kéo dài và gây bất lợi cho người lao động, từ đó cho thấy việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động, mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi. Đồng thời bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, cần xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường của lao động công bằng và bền vững.

Top