Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post, phản ánh mặt tối của dịch vụ hẹn hò trực tuyến tại Hong Kong. Trái ngược với mong muốn tìm kiếm người bạn trai lý tưởng, các cô gái trở thành "miếng mồi" cho những kẻ xấu chuyên lợi dụng lòng tin để lừa đảo.
Macy từng cảm thấy háo hức trước việc hẹn hò với chàng trai quen trên mạng. Alan, bạn hẹn của cô, có vẻ ngoài điển trai và cuộc sống xa hoa.
Hai người gặp nhau trên một trang web môi giới hẹn hò và gặp mặt ngoài đời một vài lần.
“Anh ta có vẻ rất muốn tiến xa hơn với tôi”, Macy nói.
Người đàn ông “cao ráo, sáng sủa” như lời cô khen ngợi cho biết mình làm trong lĩnh vực marketing. Trên mạng xã hội, hàng loạt bức ảnh chứng minh độ giàu có, sang chảnh được anh chàng thường xuyên đăng tải.
Mọi việc tiến triển tốt đẹp cho đến khi bạn hẹn ngỏ lời mời Macy cùng anh tham dự buổi gặp mặt một vị bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc.
“Anh ấy mời mọc tôi mua 10 gói điều trị y học trước khi đồng ý đi ăn tối. Tôi thầm nghĩ liệu mình có cần thiết bỏ số tiền lớn chỉ để có một buổi hẹn hò. Hành động của anh ta làm tôi cảm thấy thật tồi tệ”, cô gái 26 tuổi nhớ lại.
Hóa ra, “người đàn ông trong mơ” của Macy chỉ là nhân viên bán hàng thuê cho một công ty. Nhiệm vụ của anh ta là lên mạng, tìm kiếm và mời chào các phụ nữ mua hàng.
Không ít các cô gái Hong Kong gặp phải trường hợp bạn hẹn trên mạng yêu cầu chi tiền mua một dịch vụ hay món hàng nào đó mới đồng ý hẹn hò. Ảnh: Afyan. |
Không một buổi hẹn nào sau đó giữa Macy và Alan diễn ra. Cô gái trẻ cũng không mua bất kỳ gói điều trị nào.
Pammy, làm công việc trợ giảng, gặp gỡ một người đàn ông tên Kit thông qua một ứng dụng hẹn hò. Hai người nhắn tin và đều cảm thấy đối phương nói chuyện ăn ý.
Cô gái 26 tuổi từng rất phấn khích khi cuối cùng chàng trai cũng ngỏ lời rủ cô gặp mặt ngoài đời thực. Tuy nhiên, điểm hẹn lại là một spa chuyên chăm sóc sắc đẹp.
“Ban đầu, anh ta đề nghị đi café xong lại gợi ý nên cùng đến một buổi massage. Khi tôi từ chối, anh ta vẫn cố thuyết phục tôi đến và chi tiền tận hưởng dịch vụ”, Pammy nhớ lại.
Cô gái trẻ sau đó đã chặn tài khoản của bạn hẹn trên ứng dụng sau khi nhận ra tất cả những cử chỉ, lời nói lãng mạn chỉ là màn kịch nhằm che giấu ý định đằng sau.
“Kể từ đó, tôi thận trọng hơn khi làm quen với bất cứ ai trên mạng. Tôi cũng không còn sử dụng các dịch vụ hẹn hò trực tuyến nữa”, Pammy nói thêm.
Nhưng nhiều phụ nữ Hong Kong không tỉnh táo như vậy. Vì cả tin, họ nhanh chóng trở thành nạn nhân của những mánh khóe kinh doanh vô đạo đức. Còn bạn hẹn lý tưởng thì biến mất không dấu vết.
Năm ngoái, cảnh sát Hong Kong ghi nhận 596 trường hợp lừa đảo hẹn hò trực tuyến. Con số đã tăng hơn 4 lần so với dữ liệu năm 2016.
Theo ước tính, các nạn nhân đã bị lừa số tiền lên đến 58 triệu USD. Phần lớn những vụ lừa đảo liên quan đến các dịch vụ làm đẹp do đánh trúng vào tâm lý phụ nữ.
Bị lừa số tiền lớn không phải là hệ quả duy nhất của những phi vụ lừa đảo. Các cô gái ít nhiều bị tổn thương về mặt tâm lý sau những lần gặp gỡ chỉ nhằm mục đích lợi dụng lòng tin.
Thiệt hại từ các vụ lừa đảo hẹn hò qua mạng liên quan đến việc bán hàng lên đến 58 triệu USD. Ảnh: SCMP. |
Chính trị gia người Hong Kong Ramon Yuen Hoi cho biết ông từng tiếp nhận và giúp đỡ hơn 200 nạn nhân khác nhau của nạn lừa đảo hẹn hò trên mạng chỉ trong vòng một năm.
“Nhân viên bán hàng thường săn lùng các đối tượng tiềm năng trên mạng xã hội và nghiên cứu kỹ về sở thích và tính cách trước khi nhắn tin tiếp cận. Chúng cũng thường làm quen với nhiều phụ nữ cùng lúc”, ông Ramon phân tích.
Mánh khóe lừa đảo tinh vi đến mức, chưa gặp mặt ngoài đời, các cô gái vẫn dễ dàng cả tin chi số tiền lớn nhằm chiều lòng bạn hẹn. Cảnh sát cũng thừa nhận không thể thống kê số lượng cụ thể các công ty có móc nối với những kẻ kinh doanh lừa lọc.
Tuy nhiên, với các trường hợp như Macy, cả nạn nhân và kẻ lừa đảo đều gặp mặt trực tiếp ngoài đời. Nhiều thông tin về “bạn hẹn” được những kẻ lừa đảo mạnh dạn kê khai dựa trên thông tin thật nhằm che mắt, củng cố niềm tin ở nạn nhân.
“Những kẻ bán hàng thường quảng bá chúng cũng sử dụng các dịch vụ này, khiến phụ nữ nhầm lẫn rằng bạn hẹn đang chia sẻ thật lòng và thật sự quan tâm đến mình”, ông Ramon nói thêm.
Các nạn nhân dễ dàng mất cảnh giác trước các mánh khóe lấy lòng này. Trong nhiều vụ việc, những kẻ lừa đảo thường dùng lời lẽ đường mật, cam đoan đây là lần đầu tiên hẹn hò để các cô gái cảm thấy mình có vị trí đặc biệt.
Theo Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong, các khiếu nại liên quan đến hoạt động bán hàng tại các dịch vụ làm đẹp đã giảm nhẹ trong khoảng thời gian 2 năm từ 2016 - 2017, từ 1.240 vụ xuống còn 1.148 vụ.
Nhưng phát ngôn viên của hội đồng này cho hay vấn đề lừa đảo thông qua các dịch vụ mai mối hẹn hò khó xử lý triệt để vì không đủ bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa những kẻ bán hàng với các công ty liên quan.
Lỗ hổng trong chính sách và chế tài xử phạt là lý do khiến các kẻ kinh doanh lừa lọc vẫn dễ dàng "móc túi" các cô gái trẻ cả tin. Ảnh: SCMP. |
Hiện tại, hầu hết vụ việc được giải quyết bởi lực lượng cảnh sát Hong Kong. Những kẻ bán hàng bất chính có thể bị buộc tội trộm cắp tài sản thông qua hành động lừa đảo.
Mặt khác, một số trung tâm chăm sóc sắc đẹp và thể hình tại Hong Kong dựa vào các hoạt động bán hàng bất hợp pháp để tạo nên tên tuổi, danh tiếng.
Tháng 4, Tan Lay Hong (người Singapore) đâm đơn kiện một thẩm mỹ làm đẹp ở Hong Kong sau khi bị ép buộc phải trả thêm 1,3 triệu đô la Hong Kong để nâng cấp gói dịch vụ đã mua trước đó.
Sau khi từ chối điều khoản vô lý, cô gái bị giữ tại trung tâm trong vòng 4 giờ đồng hồ. Chỉ khi đồng ý chi thêm tiền, cô mới được phép rời đi.
Các cuộc thanh tra của chính quyền thành phố cũng cho thấy các trung tâm chăm sóc sắc đẹp và thể hình thường sử dụng các chiêu trò kinh doanh không lành mạnh như cố tình chèn ép hay moi móc các khuyết điểm về mặt xã hội lẫn thể trạng của khách hàng.
Năm 2018, Wong Kit-cheong đã bị kết án 160 giờ phục vụ công ích vì mồi chài những người phụ nữ anh ta quen trên mạng bỏ tiền ra mua các liệu pháp làm đẹp có trị giá hơn 200.000 đô la Hong Kong. Với mỗi phi vụ, người đàn ông 26 tuổi bỏ túi số tiền 30% hoa hồng.
Các nhà chức trách Hong Kong cho biết đây là trường hợp xử phạt thành công đầu tiên với những kẻ bán hàng cố tình lợi dụng lòng tin của phụ nữ.
Nhưng theo ông Ramon, chừng ấy nỗ lực chưa đủ để ngăn chặn vấn nạn này.
“Chính quyền cần xem xét việc thiết lập một chính sách hiệu quả hơn, trong đó chỉ những trung tâm làm ăn minh bạch, có đủ chứng nhận mới được cấp phép hoạt động”, vị chính trị gia đề xuất.
Nguồn bài viết : Seaside Club