Sáng 4/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình về Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Hoan nghênh hai Ủy ban tổ chức Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.
Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh...
Để Phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này; có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.
Bên cạnh đó, làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật, cần phải bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có các giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực cơ quan quản lý Nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu sau phiên giải trình này, lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội phải giám sát về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội.
Trước đó, khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực ngày 1/5/2013.
Qua hơn 10 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả đáng kể, các ngành, các cấp đã tập trung tổ chức triển khai Luật và các văn bản dưới Luật, nhận thức người dân từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá “truyền thống,” xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và loại kết hợp giữa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo.
Các báo cáo, nhiều bằng chứng khoa học cho rằng, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước thực trạng sử dụng thuốc lá mới và những hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm này đối với mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, qua công tác theo dõi, giám sát, hai Ủy ban và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nhận thức, quan điểm về phương thức quản lý các sản phẩm này chưa được thống nhất.
Công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có những khó khăn, bất cập, hạn chế.
Hai Ủy ban đã thống nhất tổ chức Phiên giải trình - diễn đàn có sự tham gia của nhiều bên - nhằm mục đích công khai, minh bạch trước đồng bào, cử tri về nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Qua đó, tìm sự thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng./.