2025-01-16 21:04:37

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/3, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên quan đến việc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ, nhân dân phấn khởi và đánh giá rất cao những thành công của hoạt động đối ngoại trong những năm qua. Việt Nam đã ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia lớn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khái quát cho cử tri và nhân dân biết về ý nghĩa của việc này trong quá trình nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam để đóng góp vào đảm bảo hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế trong một thế giới đầy biến động, phức tạp như hiện nay.

Về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác quan trọng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 32, đánh giá đây là "những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử."

Trong 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, hiện nay Việt Nam đã có 7 đối tác chiến lược toàn diện. Với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đều có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, hoặc Đối tác Chiến lược.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với các nước đối tác lớn, đối tác quan trọng thể hiện sự quan tâm và hiểu biết tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước đối tác lớn cao hơn rất nhiều sau một thời gian đặt quan hệ.

Ví dụ như với Hoa Kỳ, Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995 và sau gần 30 năm, phát triển quan hệ giữa hai bên lên đã tăng lên Đối tác Toàn diện từ năm 2013, Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2023. Cùng với đó, sự tin cậy lẫn nhau tăng lên rất nhiều. Giao lưu hợp tác hai nước không ngừng được đẩy mạnh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trên cơ sở tin cậy chính trị tăng lên, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng có bước phát triển như về lao động, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, hợp tác văn hóa...

Tất cả các lĩnh vực này đều có những nội dung, nội hàm hợp tác rất cụ thể với từng đối tác, được nêu rõ trong các Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ với các đối tác.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An (Long An) về giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, Việt Nam quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

“Chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của nước ta với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là ta đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với nước bạn Trung Quốc, trong đó, các tỉnh miền Bắc của ta sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu,” Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, với Hoa Kỳ, đột phá hợp tác là phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, Việt Nam chọn trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo. Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng./.

'Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ là bước phát triển tự nhiên'

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việc Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ là bước phát triển tự nhiên, phù hợp với tầm mức quan hệ giữa hai nước sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển.

(TTXVN/Vietnam+)
Top