Ngôi nhà thứ hai của lưu học sinh Lào tại Đà Nẵng |
Sinh viên Lào, Campuchia tại TP.HCM về nguồn |
Các sinh viên Lào tại P. Khuê Trung được ba, mẹ nuôi và các ban ngành, đoàn thể quan tâm, chăm sóc chu đáo. |
Đêm 9/12, nhà chị Mai Thị Gấm (số 204 Lê Thạch, TP Đà Nẵng) tất bật chuẩn bị bữa cơm chia tay 2 em sinh viên (SV) Lào là Phonesoulinthon Souksavanh và Xaovongyuen Chaisakon - cùng học Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, hoàn thành chương trình ở nhà dân. Tiệc chia tay có sự tham dự của lãnh đạo Đảng ủy UBND, UBMT TQVN cùng các hội, đoàn thể P.Hòa An và Khu dân cư số 19 nơi các SV lưu trú.
Trực tiếp vào bếp chế biến 3 món ăn truyền thống của Lào là đu đủ trộn, cơm nếp và chân giò nấu măng để đãi khách, Phonesoulinthon Souksavanh (tên tiếng Việt thường gọi là Mỹ Linh) không khỏi bùi ngùi xúc động chia sẻ: “Em và Xaovongyuen Chaisakon (tên Việt là Châu Anh) may mắn được về ở với gia đình mẹ Mai Thị Gấm. Hơn 10 ngày qua, chúng em được mẹ Gấm chăm sóc chu đáo từng miếng ăn giấc ngủ cho đến mọi sinh hoạt thường nhật. Không những vậy, chúng em còn được các cô chú, anh chị đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm, tìm hiểu nếp sống, phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Đây sẽ là những ký ức chúng em không thể nào quên…”.
Châu Anh và Mỹ Linh hào hứng khoe với chúng tôi về những trải nghiệm thú vị khi cùng các cô Hội phụ nữ tham gia nấu và chuẩn bị các suất ăn hỗ trợ người dân lao động khó khăn tại Bếp ăn 0 đồng của Chi hội Phụ nữ số 15; trải nghiệm học làm hương - một nghề truyền thống của địa phương; đi tham quan Khu di tích lịch sử Đình làng Hòa An; tham gia buổi giao lưu kỷ niệm Ngày truyền thống thành lập của Hội CCB phường; trải nghiệm, thưởng thức nhiều món ăn dân dã của người dân địa phương.
Châu Anh (ngoài cùng bên trái) trổ tài làm món ăn truyền thống Lào là đu đủ trộn để đãi khách Việt. |
Trong đêm chia tay, Châu Anh và Mỹ Linh hát rất nhiều bài hát Việt cùng với mọi người. Chị Mai Thị Gấm rơm rớm nước mắt xúc động cho hay, gia đình may mắn khi được UBND P.Hòa An tin tưởng, để các em SV Lào về ở cùng. Hoàn cảnh gia đình chị chồng đi làm ăn xa, con trai đầu đi du học tại Nhật, nhà chỉ còn 2 mẹ con nên khi được UBND P.Hòa An gợi ý đón SV Lào về ở cùng, chị rất vui.
Châu Anh và Mỹ Linh nhận quà của P.Hòa An trước khi chia tay. |
Theo chị Gấm, 2 tuần Mỹ Linh và Châu Anh đến ở, nhà chị lúc nào cũng rộn tiếng cười. Các em ngoan, lễ phép, hòa đồng nhanh với phong tục tập quán người dân địa phương. Trước giờ chia tay gia đình để về lại trường, chị mong 2 em thật nhiều sức khỏe, học thật tốt và tiếp tục quay lại khi có cơ hội.
Cũng như chị Gấm, tại gia đình cô Võ Thị Thanh Hồng (49 Nguyễn Lai, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ), nhóm 3 nam SV Lào là Lorvanhxay Ton, Meunvilai Phone và Phengkhang Bliatou rất vui, hào hứng khi được về ở với mẹ Hồng. 3 em theo học tại khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng cho biết, trong thời gian ở đây, cả 3 được mẹ Hồng chăm sóc rất chu đáo không khác gì con cháu trong nhà.
Mỹ Linh và Châu Anh được đi tham quan Đình làng Hòa An. |
Cô Hồng cho biết, chồng mình ngày xưa từng học chung với các bạn du học sinh Lào tại Quảng Nam, có nhiều kỷ niệm về con người và đất nước này. Thêm nữa, gia đình cô con cái đã lập gia đình, ra ở riêng, nhà neo người nên khi nghe tin có SV Lào về ở cùng, vợ chồng đồng ý nhận ngay. Là người chuyên nghề nấu ăn nên cô Hồng rất am hiểu về các món ăn cũng như khẩu vị. Vậy nên, 3 em SV Lào được thưởng thức rất nhiều món ngon Việt do mẹ Hồng nấu, trong đó ai cũng thích món thịt kho tàu. Lorvanhxay Ton (SV năm 4) cho biết: “Những ngày ở nhà mẹ Hồng, ngoài thưởng thức món ăn ngon, chúng em còn được theo gia đình làm công việc chăm sóc cây cảnh, tham quan các danh lam thắng cảnh địa phương và trải nghiệm tự đi xe máy từ nhà đến trường để học. Em và các bạn sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm này và mong muốn có thêm nhiều cơ hội để được sống với các gia đình người Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng, chương trình đưa SV Lào về ở nhà dân là một trong những hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng giữa TP Đà Nẵng với nước bạn Lào. Thông qua chương trình này nhằm tạo điều kiện cho SV Lào trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng địa phương. Đặc biệt, qua đó góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Chương trình "Ở nhà dân" được triển khai từ năm 2011 do Hội hữu nghị Việt Nam - Lào phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán CHDCND Lào tại Đà Nẵng, các trường học liên quan và các quận trên địa bàn thành phố tổ chức dành cho SV Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. Chương trình đã trở thành điểm sáng và là mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Hàng năm, trung bình có khoảng gần 100 em SV Lào tham gia chương trình homestay tại Đà Nẵng, qua đó rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào đã được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.
Cũng theo ông Bình, tùy theo điều kiện từng gia đình, mỗi em sẽ được bố trí phòng riêng để sinh hoạt cá nhân và cùng sử dụng không gian chung với gia đình - là những người bố, người mẹ thứ hai tại đây. Trong những ngày ăn ở, sinh hoạt tại đây, các em tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam, đồng thời chia sẻ những văn hóa, phong tục của Lào đến với các gia đình Việt Nam.
Năm 2023, chương trình bố trí 148 em SV Lào vào ở, học tập, sinh sống tại nhà các hộ dân trên địa bàn các quận trên địa bàn TP Đà Nẵng và chùa Tam Bảo trong thời gian 2 tuần (từ ngày 26-11 đến hết ngày 10-12), trong số này Q. Cẩm Lệ có 20 SV đến từ Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng
Với các em SV Lào tham gia vào chương trình đầy ý nghĩa này thì đây là quãng thời gian vô cùng quý báu và ý nghĩa, sẽ là kỷ niệm đẹp theo các em suốt cuộc đời.
Động viên kiều bào phấn đấu vươn lên, vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào Đó là lời đề nghị của ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho kiều bào và người dân Lào tại huyện Boulapha, tỉnh Khăm Muồn - Lào. |
Việt Nam - Lào thúc đẩy hợp tác mua bán điện, than Việc nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp phát triển kinh tế giữa hai nước, mà còn thực hiện mục tiêu kép về an ninh quốc phòng và cung ứng năng lượng cho nền kinh tế... |
Theo Công an thành phố Đà Nẵng
https://cadn.com.vn/tham-tinh-huu-nghi-viet-lao-post287747.html