Mỗi năm có hàng trăm nghìn người di cư vượt biển để đến Italia
Cuộc khủng hoảng di cư đang gây sức ép ngày càng lớn về mặt chính trị đối với chính phủ Italia của Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền. Các nghị sĩ PD từ chối tiếp nhận thêm người nhập cư và đã đề xuất thay đổi luật lệ về nhập tịch vào cuối tuần này.
Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Ngoại trưởng Italia Mario Giro cho biết: chính phủ nước này đang xem xét tất cả các lựa chọn, bao gồm cả việc cấp visa tạm thời cho người di cư. Trước đây, ông Giro từng nói rằng ý tưởng này chỉ là lời đồn đại không có cơ sở.
Theo ông Giro, Italia không chấp nhận bị biến thành một "điểm nóng" của châu Âu và phản đối quy định của EU rằng người di cư phải ở lại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới. Quyết định đối xử với người di cư như thế nào là trách nhiệm của tất cả các quốc gia thành viên EU - ông này nhấn mạnh thêm.
Nếu được triển khai, động thái này sẽ gây phản ứng ngay lập tức từ phía Áo, có thể là đóng cửa biên giới chung với Italia tại đèo Brenner. Đây cũng có thể coi là hành động đáp trả của Italia sau khi nước này không được ủng hộ trong các nỗ lực làm giảm số người di cư tới từ Libya.
Khu vực biên giới chung Tyronz của Italia và Áo
Hôm 17/7, Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano nói rằng ý tưởng về thị thực nhân đạo không nằm trong chương trình nghị sự. Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh, bà Federica Mogherini, cũng khẳng định vấn đề này không được giới chức EU thảo luận trong cuộc họp cùng ngày ở Brussels.
Tuy vậy, phía Italia đang nghiên cứu viện dẫn việc áp dụng chỉ thị 2001/55 để cho phép cấp thị thực nhân đạo. Ông Giro cho biết chưa rõ khi nào hoặc có bao nhiêu visa loại này có thể được ban hành, nhưng nhà chức trách Italia có quyền làm như vậy.
Về phần mình, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đề nghị Italia giữ lại tất cả người di cư, không để cho họ dễ dàng đi lại giữa các nước châu Âu. Ông Kurz cho rằng ý tưởng cấp thị thực nhân đạo cho người di cư là vô lý.
Theo ước tính của Bộ Nội vụ Italia, tính đến ngày 16/7, có khoảng 93.357 người - chủ yếu từ vùng hạ Sahara châu Phi và Bangladesh - đã tới miền Nam nước này sau khi vượt biển, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người thiệt mạng là 2.207 trường hợp, giảm nhẹ so với thống kê năm 2016.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : HB Điện Tử