Mẹ chồng làm gì vào ngày đầu tiên con dâu về nhà?

2025-01-17 19:49:18
"Tóc thề" là mái tóc như thế nào? Vì sao có câu “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”? Vì sao ngày xưa gái nạ dòng không được lấy trai tơ?

Mẹ chồng làm gì vào ngày đầu tiên con dâu về nhà?

Với người Việt, ngày đầu tiên đón con dâu về nhà là ngày quan trọng, mang ý nghĩa khởi đầu một cuộc sống mới. Thời khắc con dâu bước chân vào nhà chồng càng quan trọng hơn cả, mọi nghi lễ vào lúc đó được chuẩn bị và tiến hành rất cẩn thận. Xoay quanh câu chuyện đón con dâu về nhà, người Việt cũng có nhiều tục lệ thú vị.

(Ảnh minh họa)

Ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, ngày nay vẫn còn lưu giữ tục lệ mẹ chồng “lánh” đi, không chạm mặt con dâu vào lúc con dâu bước vào nhà. Người Việt tin rằng cách này giúp những xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu khi sống chung sẽ giảm đi đáng kể. Tục lệ này không rõ bắt nguồn từ đâu và khó có thể lý giải là đúng hay là sai, tuy nhiên vẫn được rất nhiều địa phương áp dụng. Xét về ý nghĩa ban đầu, rõ ràng tục lệ này mang mục đích tốt đẹp, ẩn chứa hy vọng vào một mối quan hệ thuận hòa, ấm êm giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Ngày nay với những cặp vợ chồng hiện đại, ở riêng ngay khi cưới nhau, tất nhiên không áp dụng tục lệ này nữa. Thay vào đó, mẹ chồng gương mặt tươi cười, ra đón con dâu và dắt con dâu vào nhà. Ngoài ra còn nói những lời tốt đẹp, cầu mong con dâu con trai có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, mọi khó khăn trắc trở đều có thể vượt qua.

Trong khi đó, ngày xưa ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh lại có tục lệ mẹ chồng ra cất nón cho con dâu.

Nhà trai đặt sẵn trước ngõ một cái nồi đồng, một cái gáo, trong nồi đặt sẵn một quan tiền đồng và đựng đầy nước trong. Cô dâu vào đến cổng dùng gáo múc nước rửa mặt mũi, chân tay, mẹ chồng bước ra cất nón cho con dâu.

Con dâu, một tay cầm lấy quan tiền, một tay vẫn cầm quạt che mặt. Mẹ chồng dắt con dâu vào nhà đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ, cúi đầu lễ gia tiên (bốn lạy ba vái theo tư thế của nữ). Sau đó mẹ chồng dắt cô dâu cầm cả tiền và quạt vào buồng.

Trong buồng đã chuẩn bị sẵn trầu nước hoa quả, giường chiếu mới. Đôi chiếu trải úp vào nhau, do một người thân trong họ có tuổi tác, vợ chồng song toàn, con cháu đông, làm ăn nên nổi, được gia đình mời đến trải chiếu; nếu mẹ chồng có đủ tiêu chuẩn trên thì mẹ chồng trực tiếp dọn giường trải chiếu, nhưng bố chồng thì không được. Khi con dâu nghỉ ngơi xong, khăn yếm chỉnh tề mới bưng hộp trầu ra chào họ. Trường hợp mẹ chồng đã mất thì một bà cô hay bà dì thay thế.

Phong tục này mang nhiều ý nghĩa. Thời xưa, con dâu trước khi về làm dâu, gần như hoàn toàn xa lạ với gia đình nhà chồng, không biết đâu là buồng đâu là bếp, ai là bố mẹ chồng. Bởi ngày xưa quan niệm, con gái chưa cưới đã về nhà con trai chơi là hư hỏng, mất nết. Cũng có trường hợp quen biết nhau từ trước do là hàng xóm láng giềng, trường hợp này không tính đến.

Quay trở lại ý nghĩa của phong tục trên. Ngày xưa có nhiều trường hợp trước lễ cưới cả cô dâu chú rể đều chưa tỏ mặt nhau, có chú rể vẫn còn rụt rè, không biết phải hành xử ra sao cho phải phép. Vậy nên người mẹ chồng sẽ đảm nhận trọng trách niềm nở ra đón dâu, dắt con dâu vào nhà. Khi con dâu bước vào nhà chồng, sẽ được tổ tiên, ông bà, cha mẹ chồng ban phước lộc, dồi dào như nước. Quan tiền mà mẹ chồng trao cho hàm ý trao cho con dâu con trai vốn liếng, tiền của để có sự khởi đầu tốt đẹp, nhiều may mắn và ăn nên làm ra.

Tục lệ này ngày nay có ít nhiều thay đổi do trai gái trước khi lấy nhau đều ít nhất đôi lần về thăm gia đình hai bên. Không những tỏ tường đường đi lối lại mà thậm chí còn thân thiết, gắn bó với các thành viên trong gia đình đối phương.

Nhiều địa phương lại có tục khác. Khi con dâu vừa vào đến nhà thì mẹ chồng cầm chiếc bình vôi tạm lánh sang hàng xóm ít phút. Tục lệ này mang ý nghĩa mẹ chồng đã xác định vai trò, trách nhiệm con dâu sẽ về làm chủ, mẹ chồng sẵn sàng trao quyền công việc trong nhà trong cửa cho con dâu. Nhưng không phải trao toàn quyền đẩy hết trách nhiệm mà bà vẫn là người nắm quyền điều hành, vì bình vôi là vật tượng trưng cho bà Chúa trong nhà.

Xem thêm:

Nguyên tắc ứng xử tinh tế trong bữa cơm của người Việt

Những thói quen tưởng chừng như đơn giản của người Việt khi dùng cơm lại là thứ được hình thành, lưu giữ từ nghìn đời ...

Tục lệ bán mở hàng có từ bao giờ? Bán mở hàng thế nào để đắt khách?

Từ người kinh doanh lớn đến buôn bán nhỏ lẻ, đều rất coi trọng việc bán mở hàng. Vậy tục lệ này bắt nguồn từ ...

Dân tộc nào có tục lệ chú rể không đi đón cô dâu trong ngày cưới?

Trong đám cưới của một dân tộc thiểu số, em gái chú rể sẽ dắt con ngựa hồng đến đón chị dâu về nhà chồng ...

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt tuần

Top