Vẫn yêu sử, nhưng chán học qua sách giáo khoa

2025-01-17 19:49:28

Chán học theo SGK

Đào Duy Tân, học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình cho rằng, học sinh kém môn Lịch sử là do cách dạy và cách ra đề theo kiểu “thui chột” kiến thức. Theo bạn Tân ngay trong lớp học của mình, nhiều học sinh bỏ bê môn học này vì giáo viên truyền thụ kiến thức khô khan, mỗi lần thi phải học thuộc để trả bài cho đúng. “Đa số học sinh học Sử kiểu đối phó, kiểm tra, thi cử xong chẳng có tí kiến thức nào đọng lại trong đầu”, Tân nói.

Học sinh chỉ ra những nguyên nhân môn học trở nên khó nhằn rất sát thực tế

Lê Tuấn Hùng học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bày tỏ, em đam mê môn Lịch sử nhưng những cuốn sách cuốn hút em lại nằm ngoài chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Theo Hùng, đọc hơn 100 trang sách Lịch sử lớp 12 chỉ được vài ba ảnh minh họa đen trắng, số liệu quá nhiều, không để lại ấn tượng gì. “Để thỏa đam mê, em thường đến thư viện, tìm những cuốn viết sâu sắc về những trận đánh trong lịch sử, khi gấp sách lại, cả thế giới hào hùng, bi thương hằn sâu trong tâm trí không dễ gì quên”, Hùng nói.

Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, đang có dấu hiệu nhiều người coi trọng các môn khoa học tự nhiên, xem nhẹ các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử. Theo cô Dung, nói học sinh quay lưng với môn Sử là không đúng. “Có nhiều em ghi tên mình đăng ký dự thi học sinh giỏi môn Sử nhưng ngay ngày hôm sau đến gặp cô xin…rút vì bố mẹ không cho. Nhiều phụ huynh trao đổi, các trường top đầu không thi môn Sử. Lựa chọn môn học này sau khi ra trường khó kiếm việc làm có thu nhập cao”, cô Dung nói.

Đưa Lịch sử vào đời sống

Theo bố mẹ chuyển từ Tây Ban Nha sang Việt Nam sinh sống từ nhỏ, Rufino Aybar, học sinh lớp 11D1 THPT Phan Đình Phùng chia sẻ, trước đây bạn rất ngưỡng mộ chiến tích đánh thắng các nước lớn của Việt Nam qua phim tư liệu. Niềm ngưỡng mộ đó khiến em yêu thích môn Lịch sử, coi môn học này quan trọng nhất nhưng dường như xung quanh không phải ai cũng nghĩ vậy. Khi Bộ GD&ĐT có đề án đưa môn Sử thành môn phụ, em đã rất thất vọng. Rufino mong muốn, sử dụng nhiều tư liệu, phim ảnh để dạy học thay vì đọc thuộc các con số.

Từng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Nguyễn Đức Mạnh, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, ngành giáo dục cần học cách dạy Sử thấm tự nhiên vào học sinh bằng nhiều phương pháp. Mạnh chia sẻ, khi sang Singapore, ở những bức tường lớn, đất nước này in nhiều hình ảnh, lịch sử của những người hùng đối với đất nước như ông Lý Quang Diệu… Hoàng Thị Thiết, Trường THPT Mường Kim (Lai Châu) đề nghị, kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa phải được đưa nhiều hơn vào chương trình sách giáo khoa. Theo Thiết, hiện nay, đa số thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa, về biển học sinh phải cập nhật qua báo đài trong khi sách giáo khoa, chương trình học lại không viết, giáo viên cũng ít đề cập. “Chỉ khi có nhiều hiểu biết, học sinh mới hun đúc được tình yêu thương và quyết tâm giữ gìn từng tấc đất, tấc nước của dân tộc”, Thiết khẳng định.

TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: Học sinh chỉ ra những nguyên nhân môn học trở nên khó nhằn rất sát thực tế và cho thấy các em rất yêu lịch sử. Ngành giáo dục cần thiết phải đổi mới sách giáo khoa, chương trình dạy học. Theo TS Giang, trong ít năm tới, nên tổ chức thi theo hướng đánh giá năng lực, tổng hợp kiến thức đa ngành hơn là thi theo khối ngành A, B, C, D. Khi đó, buộc học sinh phải học tất cả các môn.

Cuộc thi Tự hào Việt Nam là cuộc thi trực tuyến thu hút 310.850 thí sinh trên cả nước tham gia thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc. Cuộc thi do T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT tổ chức, đến nay lựa chọn 85 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết diễn ra từ ngày 11-13/1 tại Hà Nội. Ban tổ chức sẽ trao gần 40 giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân đạt giải trị giá hàng trăm triệu đồng.

Theo Tiền Phong

Nguồn bài viết : CMD Thể Thao

Top